(VOV4) - Lễ cấp sắc là nghi lễ phổ biến và bắt buộc đối với đàn ông người Dao. Bất kỳ người đàn ông nào muốn được công nhận là người trưởng thành, là con cháu của Bàn Vương - tổ tiên người Dao, thì phải làm lễ cấp sắc.
Theo quan niệm người Dao, nam giới phải trải qua lễ cấp sắc từ 3 đèn trở lên mới là người trưởng thành, biết phân biệt phải trái.
Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên được cấp 3 đèn, bậc hai được cấp 7 đèn và bậc ba được cấp 12 đèn. Theo phong tục của người Dao đỏ ở xã Viễn Sơn (Văn Yên, Yên Bái), đàn ông chưa cấp sắc được 3 đèn thì vẫn là trẻ con, chưa có tên âm, nam gọi là nhi nam, nữ gọi là nhi nữ. Khi cấp sắc 3 đèn thì mới có tên để tổ tiên biết mình.
Theo thầy cúng Bàn Văn Lý, ở xã Viễn Sơn, cấp sắc 7 đèn và 12 đèn là nghi lễ thăng chức dành cho những thầy cúng. Cấp sắc 7 đèn, thầy được 72 âm binh; cấp sắc 12 đèn thì được 120 âm binh. Âm binh được coi là đệ tử, là những người bảo vệ cho mình khi đi vào thế giới bên kia để cầu cúng.
Chưa được cấp sắc 3 đèn thì chưa thành người lớn. Ảnh: baoyenbai.com.vn
Trong lễ cấp sắc 7 đèn hay 12 đèn thì những thầy cúng phải múa rùa. "Ngày xưa chúng tôi thờ thánh Tam thanh. Theo điển tích, ngày xưa có người phụ nữ sinh được 3 anh em nhưng không nuôi rồi bỏ trên rừng. Các con quỷ quái đến cũng không ăn thịt nó, thậm chí lợn rừng đến nuôi nó, rồng đến phun nước để tắm cho nó. Dần dần thành người rồi lớn lên, học tập và đi tìm kinh Phật. Khi đi có nhiều sông, suối nhưng không có thuyền đò, gặp rùa, nhờ rùa cõng qua sông để gặp Phật Tổ xin kinh về học. Hiện nay, khi làm lễ cấp sắc thì phải múa rùa để thể hiện sự tôn trọng, biết ơn rùa đã đưa mình qua sông" - ông Lý nói.
Theo ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, đối với lễ cấp sắc 12 đèn thì phạm vi cũng như quy mô tổ chức rộng lớn hơn. Trước khi làm lễ cấp sắc 12 đèn, người được cấp sắc phải họp gia đình, dòng họ để có được sự ủng hộ của mọi người.
"Lễ cấp sắc 12 đèn là nghi lễ quy tụ nhiều người với quy mô lớn, chứ không như cấp sắc 3 đèn hay 7 đèn là theo dòng họ nhỏ thôi. Mình được cấp sắc 12 đèn thì bất cứ ở đâu mà trong gia phả của người đó được cấp sắc 12 đèn thì họ được tiến hành cấp sắc 12 đèn, kể cả người đó ở nước ngoài.
Những người được cấp sắc, trước khi vào lễ đều phải ăn chay niệm Phật, không được ra khỏi làng, chỉ ở trong nhà – nơi diễn ra nghi lễ. Ông Bàn Phúc Hín cho biết: "Có những kiêng kỵ riêng như không được sát sinh, không được lăng mạ người khác".
Việc tiến hành nghi lễ cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là phần trang
trí cho buổi lễ. Trong nghi lễ cấp sắc từ 7 đèn trở lên thì phải có cây
trúc. Trúc được lấy trên rừng, còn cả lá và cao hơn 5m, như lời chúc
phúc cho những người được cấp sắc may mắn hạnh phúc, thành đạt.
Lễ cấp sắc của người Dao. Ảnh: baoyenbai.com.vn
Khi làm lễ cấp sắc từ 7 đèn trở lên thì phải trồng cây trúc ở trước nhà. Cấp sắc 12 đèn thì phải lập một chòi trồng 4 cây trúc xung quanh và treo 4 tấm vải trắng lên cây trúc, gọi là bắc cầu lên thiên đình. Khi người được cấp sắc qua đời, cây trúc được nối với quan tài để bắc cầu đưa linh hồn người ấy lên thiên đình, rồi mới đưa về Dương Châu để an lạc tại đó.
Trong nghi lễ cấp sắc của người Dao, thầy cúng phải mặc váy. Ông Bàn Văn Lý giải thích: "người nam làm thầy cứ phải mặc đồ nữ vì ngày xưa khi lấy được kinh Phật về thì nữ làm lễ do nữ không có công to việc lớn gì, còn đàn ông bận việc nên không có thời gian để cúng bái. Mãi về sau, phụ nữ phải nuôi con, không đi được đâu nữa. Thế rồi nữ truyền lại cho nam làm. Vì vậy, đến giờ chúng tôi làm lễ phải mặc váy, đội mũ của nữ hết".
Lễ vật dùng cho lễ cấp sắc gồm: lợn, gà, rượu, vàng mã. Đối với cấp sắc 3 đèn thì 2-3 con lợn. Một con dùng làm lễ gọi các thần thánh về chứng giám, một con tạ ơn thần thánh khi xong việc. Còn đám lớn, như cấp sắc 12 đèn thì kéo dài ba ngày ba đêm, phải mổ nhiều lợn, nhiều gà. Môt con đầu tiên dâng cúng để thông báo cho tổ tiên biết chuẩn bị làm lễ cấp sắc; dâng con tiếp theo để gọi các thần thánh về chứng kiến; cuối cùng, mổ mấy con để tạ ơn thần thánh, tạ ơn Ngọc Hoàng, ma quỷ ở hạ giới cũng như thượng giới đã về chứng kiến lễ cấp sắc.
Trong lễ cấp sắc 12 đèn, có tới 12 thầy lo việc cúng bái. Thầy Cả chủ trì chính. Thầy hai hỗ trợ, thầy ba là thầy múa để gọi thần thánh về. Rồi tới thầy dẫn các đệ tử dâng hương, múa rùa, tấu điệp mời các thần thánh vào cung; thầy biểu toàn viết sớ; thầy chứng minh là thầy chứng minh để làm các việc; ba thầy lo về phần tổ tiên, hóa vàng, giấy tiền, tạ ơn; thầy dọn đồ cúng, lo các việc bưng bê hoa quả; thầy hậu cần; thầy kèn trống.
Khi cấp sắc xong, mỗi người được cấp một cái sớ riêng, ghi ngày tháng, ai công nhận. Sau khi làm lễ, người được cấp sắc phải trở về nhà ngay lập tức để báo với tổ tiên. Quân binh cùng đi theo về nhà để biết nhà và bảo vệ người đó.
Hải Phong/VOV4
Viết bình luận