Do vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử, đồng bào Cơ Tu sinh sống ở vùng biên của hai nước Việt - Lào từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong nội bộ dân tộc luôn hỗ trợ nhau nhiều mặt, từ mưu sinh hàng ngày đến các hoạt động văn hóa. Tuy có dân số không lớn như ở Việt Nam, nhưng đồng bào Cơ Tu ở Lào vẫn giữ gìn được những di sản văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Một số di sản văn hóa của người Cơ Tu ở Việt Nam đã mai một hoặc mất hẳn, nhưng đồng bào Cơtu bên kia biên giới vẫn còn tồn tại và phát triển. Chẳng hạn như mô hình cư trú, nhà cửa trong mỗi ngôi làng theo vòng tròn, hay hình ô van đồng tâm; hoặc tập tục, lễ hội truyền thống, phương thức canh tác. Đây là hiện tượng độc đáo mà các nhà nhân học gọi là sự “hóa thạch ngoại biên”. Những yếu tố đó đã làm cho vốn quý trong kho tàng văn hóa tộc người được bảo tồn, phục hồi và phát triển.
Người Cơ Tu ở Lào vẫn còn thực hành nghề dệt theo cách cổ xưa, từ việc sử dụng khung dệt đến quá trình chế biến sợi, nhuộm sợi, tạo hoa văn... Khung dệt có dây đeo lưng, thanh giằng ở chân, gọi là khung dệt dùng sức căng của cơ thể (body tention looms), là loại khung dệt cổ xưa nhất của nhân loại. Hoa văn và màu sắc của thổ cẩm Cơ Tu ở Lào còn giữ nét hoang sơ. Màu vải được nhuộm từ cây chàm nên có màu xanh lơ và màu đen thẫm. Hoa văn đa dạng, trong đó chủ yếu vẫn là hoa văn bằng hạt cườm nhựa hay thủy tinh. Loại cườm bằng nhựa tổng hợp này có đủ màu sắc, tiện lợi, dễ sử dụng và cũng được ưa chuộng hơn. Nguyên liệu này đồng bào mua và trao đổi từ người đồng tộc ở Việt Nam.
Hoa văn và các đường viền phức tạp trên thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu bên Lào cũng xuất hiện khá phổ biến trong các sản phẩm dệt của đồng bào Cơ Tu ở Việt Nam. Đó là mô típ người phụ nữ múa điệu Da dá, hình xương cá, hình con bướm... Đồ trang sức và loại hình trang phục truyền thống cũng có nhiều nét giống nhau. Điều này biểu hiện họ có “mẫu số chung” về bản sắc tộc người.
Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở Lào có ảnh hưởng đến nghề dệt của người Cơ Tu ở Việt Nam. Đồng bào Cơ Tu ở làng Công Dồn, xã Duôih, huyện Nam Giang là nơi duy nhất còn trồng bông dệt vải theo kiểu truyền thống. Họ có giống bông vải của dân tộc Lào (kpay lao), cùng với giống bông vải bản địa để duy trì nghề dệt vải. Trước đây, đồng bào Cơ Tu ở Lào còn có các loại sản phẩm dệt được trang trí hoa văn bằng cườm chì (halùng hoặc alùng). Dưới lòng sông Antrôl bên Lào là nơi mà đồng bào khai thác quặng chì, mang về chế tác thành hạt cườm để trang trí hoa văn trên khố, váy, áo.
Kỹ thuật chế tác và dệt hoa văn bằng cườm chì của người Cơ Tu và một số tộc người bên Lào đã được truyền lại hoặc trao đổi nguyên liệu thành phẩm đã qua chế tác cho người Cơ Tu ở Việt Nam. Cườm chì thường được kết vào vải rất dày, nhất là trên ngực áo, đuôi khố. Ngoài việc học cách chế cườm và dệt vải bằng cườm chì từ bên Lào, người Cơ Tu, Tà Ôi và một số dân tộc khác ở vùng Trường Sơn cũng mua bán, trao đổi với các bộ tộc Lào để được sở hữu những chiếc áo, chiếc khố có hoa văn cườm chì.
Dân tộc Cơ Tu ở phía Đông Trường Sơn thường ít khi chế biến màu đỏ mà họ thường trao đổi với người Lào để lấy thứ thuốc đỏ được chế biến sẵn để nhuộm vải, đồng bào gọi là mực poong. Đặc biệt, người Cơ Tu ở Lào còn giữ bí quyết chế biến và dệt vải bằng sợi tơ chuối, một sản phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.
Giống như đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam, người Cơ Tu ở các làng bản bên Lào duy trì loại hình kiến trúc nhà làng truyền thống. Loại hình kiến trúc này không chỉ để hội họp, tổ chức lễ hội cộng đồng mà còn là “xưởng dệt” và là “cửa hàng”, nơi các thợ dệt trưng bày và bán các sản phẩm. Nghề dệt đang được chính quyền các cấp quan tâm, từ cấp cơ sở đến trung ương. Chẳng hạn như Hội Phụ nữ Lào đã có đề án bảo tồn nghề dệt, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thương mại, du lịch. Các sợi tổng hợp đã nhuộm sẵn luôn được đáp ứng và nhiều thợ dệt hiện đang sử dụng vật liệu này.
Các tổ chức quốc tế, trong đó có một số trường đại học của Nhật Bản và cơ quan viện trợ Nhật Bản đã thực hiện các dự án nhằm phục hồi phương thức dệt cổ truyền của đồng bào Cơ Tu ở làng Houay Houn Tai, tỉnh Salavan. Nhà tài trợ khuyến khích bà con duy trì các giống bông bản địa, chế biến thuốc nhuộm từ các vật liệu trong tự nhiên. Sản phẩm của họ được bán khắp cả nước và một số thị trường quốc tế. Nhiều phụ nữ trẻ đang nuôi sống bản thân và gia đình bằng nghề dệt vải. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt do cung luôn lớn hơn cầu đối với hàng dệt may mới.
Với giá trị nhiều mặt, thổ cẩm của người Cơ Tu ở Lào cũng được các nhà thiết kế sưu tầm, trân quý, tạo nhiều cảm hứng mới mẻ trong thiết kế thời trang. Màu chàm cùng với chất liệu sợi bông kết hợp với sợi tơ chuối, tơ lụa và hoa văn hạt cườm do các thợ dệt ở các làng Cơ Tu làm ra được tái hiện ở các bộ sưu tập thời trang mang phong cách hiện đại. Thời trang thổ cẩm Cơ Tu Nam Lào được trưng bày, trình diễn tại thủ đô Viên Chăn, cố đô Luang Prabang và giới thiệu tại các sự kiện thời trang danh giá ở các nước châu Âu như Pháp, Thụy Sĩ…
Nghề dệt thổ cẩm và các sản phẩm của nó là bức khảm quý giá khắc họa bản sắc dân tộc Cơ Tu đang sinh sống ở hai nước Việt- Lào. Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, chính quyền và các ngành chức năng ở các tỉnh kết nghĩa như Quảng Nam - Sê Kông cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau nhiều hơn. Cần phối hợp tổ chức Festival Lụa - Thổ cẩm thế giới tại đô thị cổ Hội An, Festival Làng nghề Huế... với các hoạt động như hội thảo, triển lãm, biểu diễn thời trang, giới thiệu sản phẩm, may mặc phục vụ khách du lịch, nhằm tôn vinh nghề truyền thống, nghệ nhân ở hai quốc gia.
Viết bình luận