Sự hình thành cộng đồng Chăm Islam ở TP.HCM
Thứ hai, 00:00, 06/11/2017 Hải Huyền bt bài + 2 ảnh Hải Huyền bt bài + 2 ảnh
VOV4.VN – Người Chăm ở TP.HCM hiện nay là một nhóm thuộc cộng đồng Chăm ở Châu Đốc, An Giang. Họ đều là tín đồ Islam. Trải qua nhiều biến động lịch sử, họ đã đến và quần tụ, sinh sống tại TP.HCM.


Những đợt di cư của người Chăm Islam

Theo nghiên cứu của PGS Trương Văn Món, Trưởng bộ môn Văn hóa xã hội, Khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, thế kỷ thứ XVIII, do chiến tranh, xung đột tôn giáo, thiên tai, một bộ phận người Chăm sinh sống ở dải đất miền trung đã di cư sang Campuchia. Giữa thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX, họ quay về Việt Nam và nơi định cư đầu tiên là vùng Châu Đốc, An Giang. 


Thánh đường Nancy - một trong những nơi quy tụ tín đồ người Chăm Islam ở TP.HCM

Trong thời gian ở Châu Đốc, An Giang, người Chăm chủ yếu làm nghề nông và đánh bắt hải sản ven sông. Giao thương phát triển, họ đem nông sản, hàng dệt xuôi dòng sông từ miền tây về Sài Gòn, sông Bến Nghé, kênh Thị Nghè buôn bán rồi ở lại. Cho đến những năm 1945 – 1946, đây được coi là một dấu mốc của một đợt di cư lớn của người Chăm từ Châu Đốc đến TP.HCM.

“Đến đầu thế kỷ 20, bắt đầu người Chăm định hình dần ở TP.HCM. Tập trung nhiều nhất ở hai nơi: Nơi thứ nhất là ở chợ Nancy, quận Cầu Kho hiện nay. Ở quận I, vì ở chỗ đó rất gần sông, những nông sản buôn bán người ta hay tấp và lấy hàng lên. Thứ hai là ở Hòa Hưng, là quận 3” - TS Món cho biết.

Ngoài lý do giao thương, buôn bán, tín ngưỡng tôn giáo cũng chính là lý do đưa người Chăm đến định cư tại TP.HCM. Bởi từ cuối thế kỷ XVIII, một nhóm tín đồ Hồi giáo Ấn Độ đã sang ngụ cư ở TP.HCM. Người Chăm khi sang Campuchia tiếp thu Hồi giáo, quay trở về, họ đã tìm đến những thánh đường của người Ấn Độ tại TP.HCM để thực hiện những nghi lễ tôn giáo.

“Khi người Chăm truyền thống từ Phan Rang, từ miền Trung đi khỏi Campuchia, bộ phận đó ảnh hưởng Hồi giáo từ người Mã Lai, người Java, họ trở thành người Hồi giáo Islam hết. Nngười Chăm Islam khi họ trôi dạt về TP.HCM, họ mới tìm đến người Ấn Độ.

Khi buôn bán, chở hàng nông sản, vải vóc, là người Hồi giáo, họ có nhu cầu cầu nguyện. Cầu nguyện phải tìm thánh đường. Và lúc đó, thánh đường đầu tiên ở TP.HCM là của người Ấn Độ chứ không phải người Chăm” – TS Món phân tích.


Lũ trẻ người Chăm Islam lên thánh đường học chữ

Sống tập trung theo nhóm

Mặc dù trải qua nhiều cuộc di cư, nhưng dù ở đâu người Chăm Islam vẫn sống tập trung theo nhóm nơi các địa bàn nhiều kênh rạch, bến sông. Điều đó thuận lợi cho việc sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, buôn bán và trở về quê cũ An Giang. 

Hiện nay, ở TP.HCM, họ sống rải rác thành nhiều xóm nhỏ như: xóm người Chăm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (Phường 13, quận 3), xóm người Chăm gần cầu Công Lý (Phường 15 và 17 quận Phú Nhuận), xóm người Chăm trên rạch Bến Nghé;..

Ngoài ra, họ còn cư trú gần các chợ như khu người Chăm đường Huỳnh Văn Bánh nằm sát chợ Phú Nhuận, Khu người Chăm Cầu Kho gần chợ Nancy (quận 1), khu người Chăm Trương Minh Giảng (nay là chợ Nguyễn Văn Trỗi, Quận 3), khu người Chăm Thị Nghè gần chợ Thị Nghè… 

Tuy nhiên, dù định cư nơi nào họ vẫn giữ nghề truyền thống. Đàn ông làm bảo vệ, đàn bà buôn bán vải.



 

Thu Cúc/VOV4

Hải Huyền bt bài + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC