(VOV4) - Sau khi an táng người quá cố, người Xinh mun bỏ mả luôn. Không ai dám tới gần, chặt cây, đào bới gần mồ mả. Họ không có tập quán cúng giỗ hay chăm sóc mồ mả cho bố mẹ, tổ tiên.
Trong quan niệm của người Xinh mun, dù ma nhà (tức linh hồn bố mẹ đã mất) thuộc loại ma tốt, phù hộ che chở con cháu, nhưng nếu bị đối xử không tốt thì ma nhà cũng sẽ quở trách người đang sống. Vì vậy, việc thờ phụng ma nhà rất được chú trọng.
Người Xinh Mun ở nhà sàn gần giống với người Thái. Không gian nhà ở truyền thống của người Xinh mun được chia làm 2 phần rõ rệt là Tùm plầng và Tùm xìa. Xìa là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của các thành viên nữ trong nhà. Plầng là nơi ngủ của con trai chưa vợ và khách là nam giới. Ban thờ ma nhà (tức Phi hươn) được đặt trong gian Plầng này.
Ông Vì Văn An, ở bản Nà Pàn, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, cho biết Phi hươn thường được đặt ngay dưới sàn cạnh chân cột đầu tiên trong Tùm pLầng. Khi trong nhà có người chết, con trai cả dùng dao chặt vào cột, chính là cột này.
Mâm lễ cúng của người Xinh Mun. Ảnh: cema.gov.vn
Ngày thường Phi hươn bày biện khá đơn giản. Một số gia đình đan một tấm phên nhỏ ngăn Phi hươn tách biệt với phần còn lại của Tùm plầng, chỉ thành viên ruột thịt trong gia đình mới được đến gần Phi hươn: "Mình lấy đĩa, 2 chén rượu, 1 ít cơm bỏ vào đây. Khách khứa không cho đến đấy đâu, chỉ con trai con gái mới được vào, con dâu con rể không được vào đâu".
Tất cả con trai đều có quyền lập nơi thờ ma nhà, con trưởng lập trước, con thứ lần lượt lập theo. Khi lập, người ta thường giết lợn làm lễ. Lễ vật còn có cơm nếp, 2 chai rượu, 2 bát canh, vải trắng, trầu không. Người Xinh Mun không có tập quán cúng giỗ, nhưng vào các dịp trọng đại, nhất là khi ma nhà đòi ăn thì gia chủ phải làm lễ cúng.
Phó giáo sư Trần Văn Bình, Đại học Văn Hóa Hà Nội, cho biết: "Ma nhà, họ thờ cúng vào các dịp tết lễ của họ. Người Xinh mun có mấy ngày lễ tết. Cúng cơm mới là quan trọng nhất. Thứ hai là tết năm mới. Thứ ba là khi trong nhà có cưới xin, ma chay, có trẻ con sinh ra hoặc gặp vận hạn thì người ta sẽ cúng ma tổ tiên. Trước khi cúng thì họ bói trứng, gọi là Cướp xáy. Đập quả trứng ra thì ông tmo biết là ma nhà đòi ăn gì, thì phải cúng cái ấy".
Con gái đã lấy chồng cũng có thể tự lập hoặc nhờ chồng lập nơi thờ ma cho bố mẹ, nhưng phải lập bên ngoài nhà chồng. Nơi thờ ma bố mẹ vợ gọi là Hươn sơ, là một cái sàn nhỏ, có mái che, cao khoảng 1,5m, dựng cách nhà 10 – 15m.
Ma bố mẹ vợ cũng được cúng trong các dịp lễ tết, đám cưới, lúc mới sinh em bé hoặc khi trong nhà có người đau ốm. Bằng phương pháp bói, thầy mo sẽ biết được là ma bên nội hay ma bên ngoại đòi ăn mà đáp ứng. Người ta kiêng nấu thức ăn cúng Hươn sơ trong nhà.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận