Tư tưởng phồn thực trong đám ma người Chăm
Thứ tư, 16:20, 23/06/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Tư tưởng phồn thực luôn hiện hữu trong đời sống của người Chăm A hier, cộng đồng người Chăm theo đạo Bà La môn. Nổi bật trong đó có đám ma.

Hỏa táng – hủy diệt để tái tạo
Từ xa xưa người Chăm Ahier theo đạo Bà la môn đã coi cuộc sống trần gian chỉ là nơi cư ngụ tạm bợ. Cái chết mới là đích đến. Chết mới là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Vì vậy, nghi lễ tang ma được họ chuẩn bị vô cùng chu đáo.
Theo TS Lê Duy Đại, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm văn hóa Việt Nam, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong thời khắc hấp hối của một con người, gia đình phải đỡ họ nằm xuống chiếc chiếu trải dưới đất tại ngôi nhà tục – nơi diễn ra mọi lễ trọng của người Chăm.

Nghi thức tẩy uế và làm lễ của các vị chức sắc trong lễ nhập Kut. Ảnh: Vnexpress.net

Thầy cúng dân gian sẽ chủ trì nghi lễ rửa tội cho người chết. Sau đó, thầy Passeh – là những chức sắc tôn giáo trong cộng đồng người Chăm theo đạo Bà la môn sẽ làm thủ tục tắm rửa, thay quần áo cho thi thể, rồi đưa thi hài ra bên ngoài làm lễ.
"Chết trên giường có người thân cũng không phải chết bình thường. Chết già, ốm đau bệnh tật chết nhưng phải trên 15 tuổi, chết tại nhà và quan trọng lúc anh nhắm mắt xuôi tay phải có người thân bên cạnh và được người ta đỡ đặt xuống chiếc chiếu trải dưới đất. Những người ấy chết, đám tang vẫn tổ chức theo truyền thống, đầy đủ các lễ nghi". - Ông Đại nói.
Đám tang được tổ chức theo nghi lễ truyền thống là có các thầy Passeh chủ trì, được hỏa thiêu, nhập kút, tức là nhập mộ, người chết mới được siêu thoát, được về với thế giới của tổ tiên, bắt đầu cuộc sống mới. Hỏa thiêu chính là cách giúp con người siêu thoát nhanh nhất. 

Còn những người chết không bình thường như chết trẻ (dưới 15 tuổi), chết bất đắc kỳ tử, tự tử, tai nạn, hay chết vào những ngày kỵ... sẽ không được hỏa táng ngay.
Làng của người Chăm ở vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận được dựng theo ô bàn cờ, đường đi, lối lại theo chiều Bắc – Nam, Đông – Tây rất rõ. Con đường giữa các khuôn viên trở nên rộng rãi, nên người Chăm sẽ đưa thi hài ra ngoài đó dựng rạp, làm nhà lễ.
"Nhà lễ mô phỏng cái nhà tục. Đám tang người Chăm Bà La Môn rất phức tạp, nhiều lễ nghi và có sự sắp đặt chuẩn mực, không thể bỏ một lễ nghi nào và làm tuần tự theo truyền thống mà các thầy Passeh chủ trì".
Tư tưởng phồn thực trong đám ma Chăm
Theo PGS.TS Trương Văn Món, công tác tại Khoa nhân học, trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, một người con của dân tộc Chăm ở vùng đất Ninh Thuận, chiếc rạp làm đám tang tượng trưng cho người mẹ mang thai đang nằm ngửa. Tang lễ của người Chăm theo đạo Bà La môn diễn ra 4 ngày mô tả quá trình sinh nở của người phụ nữ.  
Ngày đầu tượng trưng cho việc bào thai mới hình thành. Ngày thứ hai thi hài nằm trong rạp lễ tượng trưng cho thai nhi đang lớn lên trong bụng mẹ. Ngày thứ 3 là thời điểm thi hài bước vào ngày thực hiện lễ hỏa thiêu, tức tại thời điểm là buổi sáng ngày thứ 4. Đó cũng là thời điểm tượng trưng cho thai nhi bước vào tháng thứ 9 của thai kỳ. 

Trước khi đưa thi hài đi hỏa thiêu, vị Passeh đập vỡ một hòn đá người Chăm thường gọi ông táo dùng làm bếp nấu ăn cho người chết trước đó. Hòn đá vỡ ra một miếng, miếng vỡ ấy tượng trưng cho 10 ngày còn lại của chu kỳ thai kỳ. Vậy là, trọn vẹn 9 tháng, 10 ngày của thai nhi. Khi người ta đặt thi hài lên giàn thiêu, châm lửa, ấy cũng là lúc thai nhi lọt lòng. 
"Con người chết đi, nhưng dù họ chết, bắt đầu vô từ ngày một, ngày đám tang lần thứ nhất họ không phải là người chết nữa. Khiêng thi hài lên đặt trên giàn thiêu, bắt đầu lửa thiêu lên là mẹ bắt đầu sinh con. Kể từ đó ông tu sĩ đưa cái gậy thần lên trời, có nghĩa là hồn người chết đã lên thiên đường và bắt đầu sống ở kiếp khác, ở cuộc sống khác, sung sướng hơn ở cõi đời tạm bợ này". - TS Món cho hay.
Tuy nhiên, trước khi làm lễ hỏa thiêu, người Chăm còn phải thực hiện một nghi thức nữa, đó là làm đám cưới cho người chết. Hàm ý, chuẩn bị một hành trang trọn vẹn, đủ đầy nhất từ đưa gạo, đưa nước đến dựng vợ, gả chồng cho người chết về bên kia thế giới.

 

Kút - phần mộ chí của người Chăm. Ảnh: Vnexpress.net

Sống phải ở nhà vợ, chết quay về nhà mẹ đẻ
Với những người chết bình thường, sau khi hỏa thiêu, ở phần xương trán của người mất, người Chăm theo đạo Bà La môn sẽ lấy 9 mảnh xương với tiết diện nhỏ như đồng xu, rồi bỏ vào một chiếc Klaong với hàm ý giữ lại một phần ký ức với người thân, để con cháu tưởng nhớ, thờ phụng. Sau đó, 9 mảnh xương này sẽ được nhập kút, tức phần mộ của dòng họ bên mẹ của người chết. 
Người Chăm Ahier theo mẫu hệ, nam giới lấy vợ được nhà gái cưới hỏi, và chung sống bên nhà vợ. Khi chết, một phần trong xương cốt của họ lại được đem về nhà mẹ đẻ.
Tuy nhiên, không phải ai sau khi hỏa thiêu sẽ được nhập kút ngay. Nhà Dân tộc học Phạm Văn Thành cho hay, theo phong tục truyền thống, trước tiên người ta sẽ chôn tạm trong rừng, nơi kín đáo. Mục đích để cho linh hồn người chết được thanh sạch. Nhưng quan trọng hơn cả là người chết muốn nhập được kút thì họ cần phải có đủ xương của hai phái nam và nữ. 
"Gọi là một tháng, hai tháng nhưng nó phải phụ thuộc vào người chết nữa. Bởi vì người ta quan niệm là: Khi nhập kút phải có cả nam cả nữ nếu không thì không được bởi theo quan niệm âm dương của người ta phải có đôi như thế. Nên người ta phải tổ chức lễ lớn chôn như thế để chôn kút cùng một lượt. Gọi là lễ nhập kút. Vì chờ như vậy nên có thể chờ nhập kút đến 10 năm. Nhập kút nó phức tạp như thế đấy".
Và kể từ khi nhập kút, người chết coi như đã về với thế giới của tổ tiên. Tượng kút làm bằng đá, thường lấy ở dòng sông hoặc bờ biển. Và nó có nhiều hình dạng khác nhau. Thời vua Chăm, kút còn được tạo theo hình người với dáng đứng nghiêm trang như một pho tượng thờ. Dần dần kút làm đơn giản hơn, không có đầu.

Bây giờ người ta không làm bằng tượng nữa, thay bằng hòn đá không có đầu, chân tay, chỉ có hình dáng. Người Chăm không có bàn thờ riêng, nên họ cũng sẽ không tổ chức cúng riêng. Những ngày lễ trọng, như dịp lễ hội Kate họ mới làm lễ cúng tổ tiên, cùng với các vị thần của người Chăm, để tỏ lòng thành kính.

Đỗ Quyên/VOV4


HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC