Vòng đời người Mường gắn với tiếng chiêng
Thứ tư, 00:00, 05/04/2017 Hải Huyền bt chương trình Hải Huyền bt chương trình

​VOV4.VN - Chiêng Mường định giá giàu - nghèo; là của hồi môn quý giá bố mẹ tặng con gái ngày cưới. Chiêng dẫn hồn người chết về trời…


Niềm vui, nỗi buồn có tiếng chiêng riêng

Mỗi người Mường sinh ra, lớn lên, cho đến khi về với đất, cuộc đời họ đều gắn với tiếng chiêng. 

Cất tiếng khóc chào đời, mỗi đứa trẻ đều được nghe tiếng chiêng hân hoan loan báo cộng đồng có thêm một thành viên mới. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, tiếng chiêng rộn khắp nhà trai nhà gái, mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể. Về già, mất đi, tiếng chiêng báo tang, dẫn hồn về trời, về nơi Mường ma an nghỉ.

 

Lúc sống cũng như lúc mất, tiếng chiêng luôn trong tâm thức người Mường.

 

“Lúc sống người Mường dùng chiêng giao lưu văn hóa, văn nghệ như đón khách, mừng cơm mới, chúc Tết. Ngày Tết gia đình phải có một cái chiêng treo ở bàn thờ, gọi ông bà tổ tiên nhà mình về ăn Tết. Chết đi rồi, chiêng đưa người quá cố về bên kia. Ngày vui có thể đánh tới trăm cồng chiêng, không thì ít nhất là 3 chiếc. Nhưng ngày tang chỉ một chiêng kết hợp với trống thôi” – bà Đinh Thị Khuyến, ở Đông Lai, Tân Lạc, Hòa Bình nói.

Trong lao động sản xuất, chiêng cũng gắn bó với con người không thể tách rời. Việc nước, việc làng, an ninh xóm bản đều nhờ đến chiêng. Đi săn, đánh cá, đắp mương phai, tiếng chiêng là lời thúc giục bà con cùng chung việc bản. 

TS Bùi Văn Thành, Viện Quản lý Giáo dục Dân tộc – một người con xứ Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình, cho hay: “Tục của người Mường là họ đánh cá theo từng khoang và cả làng phải ra đó đánh cá. Nên người ta đánh chiêng để tập hợp bà con ra sông đánh cá. Họ dùng chiêng để đi săn, dùng những chiêng nhỏ để giục chó đi săn. Nghe thấy tiếng chiêng, các con thú sẽ hoảng và nó sẽ chạy theo các lối cố định, người ta chờ sẵn ở đó để săn bắn thú. Hội họp người ta cũng dùng chiêng để thông báo, hoặc báo tin”.

 


Luyện tập đánh chiêng. Ảnh: dulichhaidao.com


Chiêng – Tiêu chí đánh giá vị thế một gia đình

Xưa, vị thế của một gia đình người Mường được đánh giá bằng chiêng. Nhà càng nhiều chiêng, chứng tỏ gia thế giàu có. Một chiếc chiêng tốt giá có thể lên tới 1 – 2 con trâu. Vì thế, nhà nào có chiêng là vinh hạnh lớn.

Theo TS Kiều Trung Sơn, Viện Nghiên cứu Văn hóa, chiêng không chỉ phân định giàu - nghèo, nó còn là một món quà hồi môn quý giá khi con gái về nhà chồng:

“Nó là một của quý, là tài sản và là của hồi môn. Nhiều người còn tiếc rẻ con gái mà đi lấy chồng xa thì nó mang chiêng của làng mình đi mất. Đấy là một tập tục. Quý nhất thì cho con gái và đấy cũng thể hiện tính quý trọng phụ nữ của người Mường”. 

Coi chiêng là vật báu, người Mường giữ chiêng rất cẩn thận. Từ động tác cầm, cho đến chơi chiêng, người Mường đều lưu tâm, trân trọng. Đã dùng chiêng phải có mục đích chứ không tự ý mang chiêng ra đánh. 

Người ta kỵ nhất úp chiêng. Để chiêng xuống đất phải đặt ngửa vì sợ chiêng mất tiếng. Nếu treo trên tường phải lót tấm ván, cách âm. Đàn bà, con gái không được bước qua chiêng. Đặc biệt, người Mường không bao giờ cho mượn chiếc chiêng ngày Tết “gọi” ông bà.

Ý thức giữ gìn chiêng cho đến giờ vẫn lưu truyền trong cộng đồng người Mường. Và để bảo tồn hồn chiêng, khắp thôn xóm, bản Mường nhà nhà hò nhau mua chiêng, người già tâm huyết truyền dạy cho lớp trẻ. 

“Trước đây nhà tôi có một chiếc chiêng lớn. Để có được nó bố mẹ tôi phải đổi một con lợn rất to. Sau này khi tôi ra ở riêng, tôi cũng sắm cho mình một bộ chiêng. Vừa rồi tôi còn mua về cho làng tôi một bộ chiêng nữa. Cũng phải thú thực, đời sống sinh hoạt hằng ngày của tôi lại ở phố phường cho nên cũng không sử dụng được chiêng. Chỉ mỗi khi về làng, về nơi tôi sinh ra, ở đó có không gian văn hóa Mường đặc trưng, lúc đấy chúng tôi vẫn sử dụng chiêng. Bản thân tôi cũng có thể tham gia đánh chiêng” - TS Bùi Văn Thành tâm sự. 

TS Kiều Trung Sơn nhận định, không riêng văn hóa Mường, cồng chiêng Mường có ý nghĩa lớn đối với văn hóa Việt Nam: “Cồng chiêng Mường ngoài ý nghĩa đối với người Mường, còn có ý nghĩa rất sâu đối với văn hóa Việt Nam. Nó chứng minh văn hóa Việt Nam là một trong những nền văn hóa có cơ tầng rất sâu, bản địa chứ không như nhiều người nghĩ nó là ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc hay văn hóa Ấn Độ. Có những người người ta nhịn ăn người ta vẫn giữ, có những người trong chiến tranh chạy giặc bỏ hết cả quần áo, bỏ hết cả tài sản chỉ gánh chiêng để chạy thôi, sau đó mang vào rừng để giấu vào trong hang. Họ coi trọng chiêng còn hơn cả sự sống của mình. Cho nên người ta giữ chiêng là vì vậy” – TS Sơn phân tích.

 

 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC