Vùng đồng bào Chăm sẵn sàng năm học mới 2017-2018
Thứ ba, 00:00, 05/09/2017
VOV4.VN - Năm học 2017-2018, tỉnh Ninh Thuận có hơn 132.000 học sinh ở cả 3 cấp học, trong đó có hơn 33.000 học sinh dân tộc thiểu số. Tất cả các trường, điểm trường đã sẵn sàng cho năm học mới từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đầu cấp tiểu học chuẩn bị bước vào lớp 1.

 

Trong những ngày này, các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận,  rất vất vả với việc dạy tiếng Việt cho các em học sinh dân tộc Chăm chuẩn bị vào lớp 1. Với học sinh dân tộc thiểu số, khi đến trường các em phải làm quen với một ngôn ngữ khác hoàn toàn tiếng mẹ đẻ nên trong quá trình học tập bị ảnh hưởng không ít.

Cô giáo Thành Nữ Khoa Trương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Nhơn, cho biết: Đối với các em đã qua lớp mẫu giáo thì kỹ năng sử dụng tiếng Việt khi vào lớp 1 dễ dàng hơn. Còn các em chưa qua lớp mẫu giáo thì rất khó khăn trong tiếp thu bài học, ngại giao tiếp, vì vậy, đòi hỏi sự kiên trì của giáo viên.

"Nhà trường chỉ đạo giáo viên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy tiếng Việt, chọn nội dung phù hợp để các em bước vào năm học mới khỏi bỡ ngỡ, giúp các em tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Việt, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học" - cô Trương nói.

 Học sinh trường tiểu học Phước Nhơn

Các trường tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều tổ chức bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh lớp 1. Nhiều trường trung học cơ sở  tổ chức sinh hoạt đầu năm để học sinh làm quen với thầy cô, bạn bè.

Năm học 2017-2018, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, đã có một ngôi trường khang trang, đủ chỗ cho hơn 930 học sinh của 26 lớp học. Cô giáo Não Thiên Minh Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hầu hết học sinh của trường là người dân tộc Chăm. Năm học 2016-2017, hơn 50% số học sinh đạt khá, giỏi. Tỷ lệ chuyên cần đạt 95%.

Để nâng cao chất lượng dạy và học trong thới gian tới, cô giáo Não Thiên Minh Nguyệt cho biết: “Năm học 2017-2018, trường đã tuyển sinh học sinh lớp 6 đạt 100% chỉ tiêu. Còn về cơ sở vật chất, Trường đã được huyện đầu tư xây dựng đầy đủ và đạt chuẩn Quốc gia. Trong hè 2017, chúng tôi đã tham gia các lớp tập huấn môn tiếng Anh để thực hiện Đề án Ngoại ngữ đến năm 2020”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, tỉnh hiện có 24/24 trường tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc Chăm dạy và học chữ Chăm. Việc dạy và học chữ Chăm được tổ chức xen kẽ với dạy và học các môn học phổ thông, với thời lượng dạy học 3 tiết/tuần đối với trường tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 4 tiết/tuần đối với trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày.

Năm học 2017-2018, 22/24 trường tiểu học vùng đồng bào Chăm đã được xây nhà tầng; tái bản gần 22.000 quyển sách giáo khoa cho học sinh và giáo viên. Ngoài bộ sách giáo khoa cho các khối lớp còn có sách bài tập, vở tập viết ở khối lớp 1,2 và lớp 3, nhằm tạo điều kiện cho học sinh rèn luyện, thực hành. Tổng kinh phí in bổ sung sách giáo khoa tiếng Chăm là gần 400 triệu đồng.

 

 

Aí Nghiêm/VOV- TP.HCM

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC