Để có được những hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống và những nét phong tục, tập quán của đồng bào Lự, nhóm làm phim VOV, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đã đến tận những vùng sát biên giới phía Bắc-Lai Châu, tìm vào bản làng có cái tên nghe đã thấy xa lắc: Bản Hon, xã Bản Hon huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Nhóm phóng viên đã gặp gỡ những con người chân chất, giàu tình yêu văn nghệ, luôn lạc quan và tin tưởng ở tương lai. Họ là đồng bào Lự.
(Đồng bào trong một nghi lễ cúng Rừng, nghi thức tâm linh quan trọng trong đời sống người Lự)
Đồng bào Lự có tên tự gọi là Lừ, Thay hoặc Thay Lừ, Phù Lừ, Nhuồn, Duồn. Ở Việt Nam chỉ có nhóm Lự Ðen (Lừ Ðăm) ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường và một vài bản của các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu). Việc tách nhóm để phân biệt nhóm Lự Trắng (Lừ Khao) ở Síp Song Păn Na (Trung Quốc).
Dân số người Lự hiện khoảng 6000 người, họ có tiếng nói riêng nhưng theo nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai). Người Lự đã có mặt ở khu vực Xam Mứn (Ðiện Biên) ít nhất cũng trước thế kỷ XI - XII.
Tại đây họ đã xây thành Xam Mứn (Tam Vạn) và khai khẩn nhiều ruộng đồng. Vào thế kỷ chiến tranh người Lự phải phân tán đi khắp nơi, một bộ phận nhỏ chạy lên sinh sống ở vùng núi Phong Thổ, Sìn Hồ. Cũng như các dân tộc Tày - Thái, người Lự chú trọng giải quyết các nhu cầu về vải. Công việc làm ra vải cho mặc, làm chăn đệm hoàn toàn do phụ nữ đảm nhiệm. Bà con người Lự sáng tạo ra hệ thống mương, phai truyền thống để dẫn thuỷ nhập điền. Ruộng trồng lúa nếp theo kỹ thuật cấy mạ hai lần. Bà con Lự cũng làm nương, phát rẫy.
Bà con người Lự có nghề dệt thổ cẩm với nhiều đường nét hoa văn đẹp. Người Lự có nghề rèn gươm nổi tiếng. Hái lượm, săn bắt, đặc biệt đánh cá ở suối là hoạt động thường xuyên. Hiện nay người Lự cư trú ở các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Tam Đường của tỉnh Lai Châu và huyện Ðiện Biên (của tỉnh Điện Biên). Nhà sàn 4 mái, mái kéo dài che làm hiên sàn nơi đặt khung dệt và các dụng cụ làm ra vải. Trong nhà có chăn, đệm, màn, rèm; bếp ở giữa nhà. Bà con đặt trọng quan hệ láng giềng, họ theo tập quán tương trợ giữa các gia đình trong lao động sản xuất, khi làm nhà mới, cưới xin ma chay, mọi người đều xúm lại mỗi người mỗi việc, hỗ trợ nhau.
(Bà con người Lự ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hiện có thêm sinh kế từ đồi chè và phát triển nhiều giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao như dong riềng, mía xương gà...)
Viết bình luận